Chỉ Báo Keltner, Keltner Channel – hay kênh Keltner, là một chỉ báo kỹ thuật được phát triển bởi nhà giao dịch Chester W. Keltner và lần đầu được giới thiệu vào năm 1960 trong cuốn sách “How To Make Money In Commodities”.
Chỉ báo Keltner Channel (KC) là một chỉ báo chậm và nằm trong nhóm chỉ báo xu hướng như MA, BB,… Tương tự như chỉ báo Bollinger Bands nhưng đã được cải tiến trong những năm gần đây. Chỉ báo KC gồm ba phần: đường giữa, đường trên và đường dưới, được xác định theo công thức sau:
Công thức chỉ báo KC:
Đường giữa = EMA(20)
Đường trên = EMA(20) + 2 * ATR
Đường dưới = EMA(20) – 2 * ATR
Trong đó:
EMA(20): Đường trung bình động lũy thừa của 20 ngày
ATR: Vùng dao động trung bình của giá thực
Theo công thức trên, đường EMA chỉ ra xu hướng giá còn ATR thể hiện độ biến động của nến. Sự kết hợp này giúp các trader biết được xu hướng giá hiện tại là giảm hay tăng, cùng với thông tin về phạm vi biến động của giá.
Ứng dụng của chỉ báo Keltner Channel
Xác định xu hướng giá
Góc độ của kênh Keltner giúp nhà đầu tư xác định được xu hướng giá của cổ phiếu đang quan sát:
Nếu kênh KC có góc độ hướng lên, xu hướng ngắn hạn hiện tại là tăng.
Nếu kênh KC có góc độ hướng xuống, xu hướng ngắn hạn hiện tại là giảm.
Xác định kháng cự (resistance) và hỗ trợ (support)
Bên cạnh việc thể hiện xu hướng của giá cổ phiếu, chỉ báo KC còn là công cụ giúp nhà đầu tư xác định vùng hỗ trợ và kháng cự.
Khi giá cổ phiếu chưa có xu hướng xác định, đường trên đóng vai trò như kháng cự; giá khi chạm vào đường trên thường bật xuống.
Tương tự, khi giá cổ phiếu chưa có xu hướng xác định, đường dưới đóng vai trò như hỗ trợ; giá khi chạm vào đường dưới thường bật lên.
Tuy nhiên, khi xuất hiện xu hướng tăng, giá cổ phiếu có thể liên tục chạm đường trên. Ngược lại, khi hình thành xu hướng giảm, giá liên tục chạm đường dưới.
Sự khác nhau giữa chỉ báo Keltner Channel và Bollinger Bands
Mặc dù chỉ báo KC có nhiều điểm tương đồng với Bollinger Bands, nhưng vẫn có một số điểm khác nhau:
Chỉ báo Bollinger Bands
Bollinger Bands sử dụng độ lệch chuẩn của giá để cộng/trừ vào đường giữa (SMA20), tạo nên dải băng trên và dải băng dưới, làm cho độ rộng của dải Bollinger thường xuyên thay đổi. Chỉ báo này phản ứng rất mạnh mỗi khi giá biến động đột biến.
Chỉ báo KC
Trong khi đó, chỉ báo Keltner sử dụng vùng dao động trung bình của giá thực (ATR) để cộng/trừ vào đường giữa. Phương pháp này giúp hai đường kênh trên và dưới có độ rộng ổn định.
Chỉ báo KC dễ quan sát và cung cấp các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự rõ ràng hơn, điều này làm cho không ít nhà đầu tư ưa thích sử dụng chỉ báo KC hơn chỉ báo Bollinger Bands.