Chỉ số Beta (β) là hệ số đo lường mức độ rủi ro của một cổ phiếu riêng lẻ so với mức rủi ro chung của toàn thị trường. Nó phản ánh mức độ nhạy cảm của giá cổ phiếu đối với biến động của thị trường.
1. Chỉ số Beta
Cổ phiếu có hệ số beta càng cao thì rủi ro càng lớn, nhưng cũng có tiềm năng sinh lời cao hơn. Ngược lại, cổ phiếu có hệ số beta thấp thì ít rủi ro hơn, nhưng lợi nhuận mang lại có thể không cao.
Beta = 1: Mức biến động giá của chứng khoán bằng mức biến động giá của thị trường. Cổ phiếu này di chuyển cùng pha với thị trường.
0 < Beta < 1: Mức biến động giá của chứng khoán nhỏ hơn mức biến động giá của thị trường. Cổ phiếu này có mức độ biến động ít hơn so với thị trường.
Beta > 1: Mức biến động giá của chứng khoán lớn hơn mức biến động giá của thị trường. Cổ phiếu này có khả năng sinh lời cao nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn.
Beta < 0: Cổ phiếu có biến động ngược chiều với biến động của thị trường.
Beta = 0: Mức biến động giá của cổ phiếu hoàn toàn độc lập với thị trường chung.
2. Ý nghĩa của chỉ số Beta
Hệ số beta giúp nhà đầu tư đánh giá xem cổ phiếu đang theo hướng chung của thị trường hay không và mức độ biến động – rủi ro của cổ phiếu đó trên thị trường. Nó cung cấp thông tin để so sánh mức độ biến động giá cổ phiếu của một doanh nghiệp với mức độ biến động chung của ngành và thị trường, từ đó giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.
Hệ số beta là một yếu tố quan trọng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), được sử dụng để xác định tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư.
Chỉ số beta có thể dễ dàng tra cứu trên các trang web như FireAnt, Vietstock, Cafef,…