Phân tích chỉ số tài chính doanh nghiệp là một phần quan trọng của phân tích cơ bản. Các chỉ số này giúp nhà đầu tư (NĐT) đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, sức khỏe tài chính và dự báo tình hình tài chính trong tương lai.
Số liệu tham chiếu:
So sánh với kỳ trước: Để đánh giá xu hướng phát triển của doanh nghiệp theo chiều ngang.
So sánh với doanh nghiệp cùng ngành hoặc trung bình ngành: Để đánh giá điểm mạnh – yếu của doanh nghiệp theo chiều dọc.
Khi tính toán các chỉ số, NĐT cần quan tâm con số đó thể hiện tính nhất thời hay chu kỳ để có thể nhận xét đúng nhất về tình hình doanh nghiệp.
Dưới đây là tổng hợp các chỉ số tài chính tiêu biểu, thường được sử dụng trong việc phân tích, đánh giá doanh nghiệp.
1. Khả năng thanh toán:
Doanh nghiệp cần duy trì lượng vốn luân chuyển hợp lý để đáp ứng kịp các khoản nợ ngắn hạn, duy trì hàng tồn kho để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn. Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, chúng ta sử dụng các hệ số thanh toán.
Hệ số khả năng thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn): Hệ số này thể hiện khả năng chuyển đổi tài sản ngắn hạn thành tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nếu hệ số này thấp (đặc biệt khi < 1), doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, là dấu hiệu báo hiệu rủi ro thanh toán mà doanh nghiệp có thể gặp phải.
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Lãi vay phải trả): Nợ của doanh nghiệp bao gồm nợ vay và các khoản phải trả. Khi sử dụng nợ vay, doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng – lãi vay. Do đó, NĐT cần đánh giá mức độ rủi ro trong thanh toán lãi vay của doanh nghiệp.
2. Đòn bẩy tài chính:
Đây là công cụ bù đắp cho sự thiếu hụt vốn điều lệ của doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh, gia tăng tỷ suất lợi nhuận trong tương lai, đồng thời là lá chắn thuế của các công ty. Khoản vay và lãi suất được tính vào chi phí vận hành, giúp doanh nghiệp nộp tiền thuế ít hơn nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất.
Hệ số nợ (Nợ phải trả / Tổng nguồn vốn): Hệ số này cho thấy tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đánh giá tỷ lệ nợ hợp lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hình thức, quy mô doanh nghiệp, mục đích vay. Hệ số nợ thấp thể hiện mức độ an toàn cao, rủi ro tài chính thấp. Ngược lại, doanh nghiệp có hệ số nợ cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
(Tổng nợ / Tổng tài sản): Chỉ số này đo lường khả năng sử dụng nợ vay của công ty để tài trợ cho tổng tài sản. Chỉ số cao thể hiện sự bất lợi đối với các chủ nợ, nhưng lại có lợi cho chủ sở hữu nếu đồng vốn được sử dụng có khả năng sinh lợi cao. Tuy nhiên, nếu chỉ số này quá thấp, doanh nghiệp chưa tận dụng kênh huy động vốn bằng nợ, tức là chưa khai thác tốt đòn bẩy tài chính.
Hệ số đòn bẩy (Tổng tài sản bình quân / Vốn chủ sở hữu bình quân): Chỉ số này thể hiện mối tương quan giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu bình quân của doanh nghiệp trong một thời kỳ. Chỉ số thấp chứng minh công ty có khả năng tự chủ về tài chính nhưng cũng cho thấy công ty chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ việc thu hút vốn này.
3. Khả năng sinh lời:
Doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, do đó, lợi nhuận phản ánh hiệu quả của quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Thông qua phân tích khả năng sinh lời, NĐT có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận gộp (Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần): Chỉ số này thể hiện 1 đồng doanh thu thuần, doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp. Nó phản ánh hiệu quả quản lý chi phí sản xuất, khả năng tạo ra lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp duy trì biên lợi nhuận gộp cao, ổn định qua nhiều năm thường có lợi thế cạnh tranh tốt, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỷ suất LNST trên tổng tài sản (ROA): LNST / Tổng tài sản bình quân. Hệ số này phản ánh 1 đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng LNST, tức là hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. ROA cao thể hiện quản lý hiệu quả chi phí khấu hao, chi phí đầu vào tốt.
Tỷ suất LNST trên vốn chủ sở hữu (ROE): LNST / Vốn chủ sở hữu bình quân. Hệ số này thể hiện mức LNST thu được trên mỗi 1 đồng vốn chủ bỏ ra trong kỳ. ROE cao thể hiện hiệu quả sử dụng vốn chủ cao. Chỉ số này phản ánh tổng hợp các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính, chi phí, tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có ROE cao trên 20% và ổn định trong nhiều năm thường có lợi thế cạnh tranh bền vững. Tuy nhiên, ROE quá cao cũng không phải là tốt, vì có thể doanh nghiệp đang mua lại cổ phiếu quỹ hoặc tách ra từ công ty mẹ, khiến vốn cổ phần giảm và ROE tăng.
4. Khả năng tăng trưởng:
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu (%): (Doanh thu kỳ này – Doanh thu kỳ trước) / Doanh thu kỳ trước x 100. Chỉ số này phản ánh khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tỷ lệ này cao đồng nghĩa với khả năng tăng trưởng cao. Việc nhìn nhận khả năng tăng trưởng của công ty trong giai đoạn 3-5 năm liên tiếp giúp xác định mức độ tăng trưởng an toàn (khoảng 10-20%).
Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh: (Lợi nhuận thuần HĐ SXKD kỳ này – Lợi nhuận thuần HĐSXKD kỳ trước) / Lợi nhuận thuần từ HĐ SXKD kỳ trước x 100. Tỷ lệ này cùng với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu quyết định khả năng tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Mức mong muốn là trên 10%.
Thu nhập trên một cổ phần thường (EPS): (LNST – Cổ tức cho cổ đông ưu đãi) / Số lượng cổ phần thường lưu hành. EPS phản ánh lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phần thường trong năm. EPS cao phản ánh năng lực kinh doanh mạnh và khả năng trả cổ tức cao. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu có EPS cao luôn đáng mua.
5. Phân tích dòng tiền:
Mục đích của việc phân tích dòng tiền là đánh giá năng lực tài chính và chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Doanh thu thuần: Tỷ lệ này cho biết doanh nghiệp nhận được bao nhiêu đồng trên 1 đồng doanh thu thuần. Tỷ lệ này càng cao càng tốt.
Tỷ suất dòng tiền tự do: Dòng tiền tự do / Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD. Dòng tiền tự do (Free Cash Flow) = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD – Dòng tiền đầu tư cho TSCĐ. Tỷ suất này phản ánh chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp. Dòng tiền tự do lớn chứng tỏ tình hình tài chính của doanh nghiệp tích cực.
Xu hướng dòng tiền: Để phân tích xu hướng dòng tiền, số liệu dòng tiền của từng hoạt động sẽ được cộng dồn theo từng năm nhằm loại bỏ biến động tại một thời điểm cụ thể. Quan sát dòng tiền trong giai đoạn dài giúp xác định giai đoạn của chu kỳ kinh doanh mà doanh nghiệp đang trải qua.