Trong tiếng Nhật, Nến Heiken Ashi có nghĩa là “thanh giá trung bình.” Đây là một biến thể của nến Nhật thông thường, với các giá trị mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất được tính toán lại dựa trên giá trị trung bình của cả dữ liệu hiện tại và quá khứ. Do đó, Heiken Ashi giống như một chỉ báo giá trung bình, giúp làm mượt đồ thị nến, giảm bớt các tín hiệu nhiễu và giúp việc xác định xu hướng giá dễ dàng hơn.
Nến Heiken Ashi có cấu nào như thế nào
Nến Heiken Ashi cũng được cấu tạo từ bốn thành phần: giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất. Tuy nhiên, các giá trị này được tính toán lại dựa trên dữ liệu của phiên hiện tại và phiên trước đó, cụ thể như sau:
Giá mở cửa (Open): là trung bình cộng của giá mở cửa và giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó.
Giá đóng cửa (Close): là trung bình cộng của giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất của phiên hiện tại.
Giá cao nhất (High): là giá trị lớn nhất trong các mức giá mở cửa, giá đóng cửa và giá cao nhất của phiên giao dịch hiện tại.
Giá thấp nhất (Low): là giá trị nhỏ nhất trong các mức giá mở cửa, giá đóng cửa và giá thấp nhất của phiên giao dịch hiện tại.
So sánh Nến Heiken Ashi và Nến Nhật
Thứ nhất, trên đồ thị Heiken Ashi, các cây nến phía sau bắt đầu từ khoảng giữa thân nến phía trước, nên trên đồ thị không bao giờ xuất hiện GAP. Do vậy, đồ thị nến Heiken Ashi có vẻ chặt chẽ, liền mạch và các cây nến thường sát nhau hơn so với đồ thị nến thông thường.
Thứ hai, về xu hướng chuyển động của giá, hai đồ thị cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, các con sóng trên đồ thị Heiken Ashi nhìn mượt mà hơn so với trên đồ thị nến thông thường. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do tính chất trung bình cộng trong công thức tính, tương tự như đường trung bình động (MA), khiến nến Heiken Ashi mượt mà hơn và loại bỏ được nhiều tín hiệu nhiễu.
Khi xem xét các con sóng tăng, giảm, trên đồ thị Heiken Ashi, xu hướng giảm hầu hết chỉ bao gồm các cây nến đỏ và xu hướng tăng hầu như chỉ gồm các cây nến xanh. Trong khi đó, trên đồ thị nến Nhật, xu hướng giảm vẫn xen kẽ các cây nến xanh và xu hướng tăng vẫn xen kẽ nhiều cây nến đỏ. Đặc điểm này khiến đồ thị Heiken Ashi có khả năng thể hiện xu hướng giá rõ ràng và dễ nhận biết hơn.
Một điểm quan trọng nữa là mức giá của cổ phiếu MBB được biểu diễn trên đồ thị nến Nhật hiện tại là 25.5. Nhưng đối với đồ thị Heiken Ashi, chuyển động của cây nến không thể hiện được mức giá hiện tại của thị trường, không phải là mức giá sẽ được khớp khi đặt lệnh. Vì lý do này, đồ thị Heiken Ashi được coi là một chỉ báo kỹ thuật chứ không phải là biểu đồ giá.
Ưu và Nhược điểm của Đồ thị Nến Heiken Ashi
Ưu điểm:
Đồ thị nến Heiken Ashi giúp nhận biết xu hướng giá dễ dàng hơn, giảm bớt các tín hiệu nhiễu do các biến động ngắn hạn trên thị trường.
Đặc điểm về màu sắc của các nến trong một xu hướng giúp nhận diện xu hướng đơn giản hơn. Bóng nến cũng ít xuất hiện hơn so với đồ thị nến Nhật thông thường, nên việc xác định động lượng của giá cũng dễ dàng hơn.
Nhược điểm:
Không thể hiện được mức giá hiện tại của thị trường nên không thể sử dụng để đặt lệnh.
Do phụ thuộc vào dữ liệu giá của phiên giao dịch trước, các tín hiệu từ đồ thị Heiken Ashi thường có độ trễ so với đồ thị nến Nhật.
Nhiều mô hình nến đảo chiều hay tiếp diễn xu hướng (gồm 2-3 nến) hay được sử dụng trên đồ thị nến Nhật sẽ không xuất hiện trên đồ thị nến Heiken Ashi.