Khối lượng giao dịch (volume) là số lượng cổ phiếu được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định, thường tính theo ngày.
Vai trò và ý nghĩa của khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong phân tích kỹ thuật, giúp xác nhận điểm mua bán cổ phiếu, và xác định sức mạnh của dòng tiền đổ vào cổ phiếu. Ngoài ra, khối lượng giao dịch còn thể hiện tính thanh khoản của thị trường. Cổ phiếu có tính thanh khoản cao thường hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Áp dụng mối quan hệ giữa giá và khối lượng vào thị trường chứng khoán
1. Khối lượng bùng nổ tại điểm break
Ví dụ, cổ phiếu SSI hình thành một pha điều chỉnh với xu hướng giảm (downtrend). Trong nhịp điều chỉnh này, khối lượng giao dịch rất thấp và có thời gian tích lũy khá dài (mẹo nhỏ: thời gian tích lũy càng dài thì khi bật tăng sẽ càng mạnh).
Tại điểm break downtrend, khối lượng giao dịch tăng trưởng đột biến (điểm bùng nổ) => Điều này xác nhận giá chính thức chuyển sang xu hướng tăng (uptrend). Sau phiên mở nến tiếp theo, nhà đầu tư có thể vào mua cổ phiếu hoặc chờ đợi test lại downtrend rồi mới mua.
2. Khối lượng bùng nổ tại đáy
Sau một khoảng thời gian điều chỉnh giảm, khi giá cổ phiếu tích lũy với độ thanh khoản thấp. Đột nhiên trong hai ngày liên tiếp, khối lượng giao dịch bùng nổ tăng cao, kết hợp với phân tích kỹ thuật như trendline hay mức điều chỉnh của fibo => Điều này xác nhận tín hiệu đáy và xu hướng tăng từ đây. Nhà đầu tư có thể bắt đầu mua cổ phiếu và chờ chốt lời, thời gian chờ chốt lời tỷ lệ với thời gian mà cổ phiếu đã tích lũy trước đó.
3. Khối lượng bùng nổ tại đỉnh
Trước khi khối lượng giao dịch bùng nổ: Giá cổ phiếu VND tăng, nhưng khối lượng vẫn ổn định, không có biến động lớn. Tuy nhiên, đến ngày 6/4/2022, khối lượng giao dịch bùng nổ mạnh nhưng giá lại không tăng tương ứng => tạo ra nến hammer, khối lượng giao dịch tăng do nhiều người chốt lời, báo hiệu đây đang là vùng đỉnh. Nhà đầu tư nên chốt lời tại thời điểm này.