Gap Trong Chứng Khoán Là Gì? Cách Ứng Dụng Hiệu Quả?

Phân tích khoảng trống giá (Gap) là một kỹ thuật phân tích phổ biến và hiệu quả cao trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Đặc biệt tại TTCK Việt Nam, do tính biến động cao của cổ phiếu, các Gap thường xuất hiện và mỗi Gap mang ý nghĩa khác nhau, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ứng dụng của các loại Gap trong chứng khoán.

Gap trong chứng khoán là gì?

Gap trong chứng khoán là gì? Cách ứng dụng hiệu quả?
Gap là khoảng trống giá được tạo ra giữa hai phiên giao dịch liên tiếp. Gap phát sinh là hệ quả của sự thay đổi tâm lý số đông nhà đầu tư hoặc những thay đổi quan trọng về mặt cơ bản, khiến dòng tiền mua hoặc bán diễn ra một cách quyết liệt ngay từ đầu phiên. Có hai loại gap cơ bản:

Gap Up: Khi giá thấp nhất của phiên hiện tại cao hơn giá cao nhất của phiên trước đó.
Gap Down: Khi giá cao nhất của phiên hiện tại thấp hơn giá thấp nhất của phiên trước đó.

4 loại Gap phổ biến xuất hiện trên TTCK Việt Nam:

Gap thông thường:

Loại Gap này thường xuất hiện trong vùng tích lũy của cổ phiếu, với khối lượng khớp trong phiên mở Gap khá thấp. Thông thường, sau khi mở Gap, giá sẽ quay trở lại lấp Gap đó, và việc cổ phiếu mở Gap trong giai đoạn tích lũy thường không mang nhiều ý nghĩa về sự thay đổi trọng yếu về tâm lý hay cơ bản mà chủ yếu là tín hiệu kỹ thuật thông thường.


Gap phá vỡ:

Loại Gap này xảy ra khi giá bứt phá qua khu vực tích lũy kéo dài ít nhất 3-6 tháng với khối lượng khớp tăng đột biến. Sau khi mở Gap phá vỡ, giá sẽ bắt đầu một xu hướng tăng/giảm mới, và lúc này vùng Gap trở thành vùng hỗ trợ mạnh. Trong nhiều trường hợp, cổ phiếu mở Gap phá vỡ sẽ tăng/giảm mạnh ngay sau đó mà không cần lấp lại Gap. Gap phá vỡ thường xuất hiện do có sự thay đổi về mặt cơ bản của doanh nghiệp hoặc tâm lý nhà đầu tư thay đổi lớn bởi các tin tức tích cực như kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, tin tức vĩ mô bất ngờ tích cực…


Gap tiếp diễn:

Loại Gap này xuất hiện khi giá đang trong xu hướng tăng/giảm nhưng chưa vào giai đoạn tăng quá nóng. Đây là tín hiệu cho thấy cổ phiếu đang có lực mua mạnh mẽ để củng cố xu hướng hiện tại, khối lượng khớp cũng rất ấn tượng. Gap tiếp diễn thường xảy ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang rất tích cực/tiêu cực và chưa có tin tức trọng yếu làm thay đổi xu hướng hiện tại.


Gap kiệt sức:

Loại Gap này xảy ra khi giá đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá/giảm giá. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền đầu cơ bắt đầu mua một cách vội vã, khiến giá tăng rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Khối lượng khớp tại phiên tạo gap kiệt sức thường rất đột biến, cho thấy sự hưng phấn của dòng tiền. Đó là tín hiệu đảo chiều xu hướng quan trọng để nhà đầu tư có thể bắt đầu canh bán chốt lãi trong xu hướng tăng hoặc mua bắt đáy khi đang trong xu hướng giảm.


Kết luận:

Trên thị trường chứng khoán, có câu nói quen thuộc: “Gap sinh ra là để lấp.” Tuy nhiên, câu này không hẳn đúng khi hiểu rõ về Gap. Trong trường hợp giá tạo Gap thông thường và Gap kiệt sức là những loại Gap dễ được lấp lại nhất, trong khi Gap phá vỡ và Gap tiếp diễn lại là tín hiệu cho thấy giá sẽ bắt đầu mở ra một xu hướng tăng/giảm mới và trong rất nhiều trường hợp, giá không lấp lại các vùng Gap đã được tạo ra.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Taikhoanchungkhoan.com
Logo