Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu luôn biến động, nhưng những biến động này không hoàn toàn ngẫu nhiên mà thường theo một chu kỳ nhất định. Mỗi chu kỳ giá cổ phiếu thường bao gồm bốn giai đoạn: tích lũy, tăng trưởng, phân phối và suy thoái. Việc nhận biết được giai đoạn nào của chu kỳ sẽ giúp nhà đầu tư xác định chiến lược hành động phù hợp. Các yếu tố chính để xác định chu kỳ của cổ phiếu bao gồm giá và khối lượng giao dịch.
Mô tả chi tiết về thị trường
Giai đoạn tích lũy:
Giai đoạn tích lũy là thời kỳ chuyển tiếp từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng của cổ phiếu. Trong giai đoạn này, cổ phiếu thường dao động đi ngang trong một biên độ hẹp và khối lượng giao dịch giảm dần. Đây cũng là thời điểm mà các tổ chức lớn và nhà tạo lập thị trường thường mua gom cổ phiếu. Khi nhà tạo lập đã gom đủ cổ phiếu, lượng hàng nắm giữ của các cổ đông nhỏ lẻ cạn kiệt, dẫn đến thanh khoản giảm. Đây thường là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tích lũy sắp kết thúc và chuẩn bị cho một giai đoạn tăng giá mới.
Ví dụ, cổ phiếu HSG từ tháng 2 năm 2019 đến đầu tháng 5 năm 2020, đã di chuyển trong biên độ giá 5.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch giảm dần và dần cạn kiệt. Giai đoạn tích lũy này kết thúc khi giá bứt phá khỏi vùng “hộp” với khối lượng giao dịch lớn, báo hiệu một giai đoạn tăng trưởng dài.
Giai đoạn tăng trưởng:
Giai đoạn tăng trưởng bắt đầu khi giá cổ phiếu bứt phá khỏi vùng tích lũy. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng với khối lượng giao dịch cao và phá vỡ các ngưỡng kháng cự. Trong giai đoạn này, giá cổ phiếu thường tăng không liên tục mà xen kẽ các đợt điều chỉnh và tái tích lũy để tạo đà cho sự tăng tiếp theo.
Giai đoạn phân phối:
Giai đoạn phân phối là giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng, khi nhà đầu tư tổ chức và nhà tạo lập chốt lời sau khi đã đẩy giá tăng mạnh. Giai đoạn này thường bắt đầu với những phiên giá tăng mạnh và thanh khoản lớn, thường được kèm theo tin tức tích cực về cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó là các phiên kéo xả của nhà tạo lập nhằm thoát hàng. Hiện tượng “phân kỳ” giữa giá và khối lượng giao dịch, khi thanh khoản tăng mạnh trong khi giá cổ phiếu chỉ biến động nhẹ hoặc giảm mạnh, là dấu hiệu của giai đoạn này.
Giai đoạn suy thoái:
Sau khi nhà đầu tư tổ chức và nhà tạo lập thoát hàng, lực mua yếu dần khiến cho giá cổ phiếu giảm. Khi các tin tức xấu bắt đầu xuất hiện và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống, nhà đầu tư cảm thấy lo lắng và bán tháo cổ phiếu, dẫn đến giá giảm mạnh kèm theo thanh khoản cao. Giai đoạn này giá cổ phiếu thường đi theo mô hình kênh giá giảm, với các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước.