Cách Sử Dụng Chỉ Báo RSI Trong Mua Bán Chứng Khoán

Chỉ số sức mạnh tương đối – Chỉ Báo RSI (Relative Strength Index) là một trong những chỉ báo động lượng quan trọng và được áp dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật. RSI giúp đo lường quán tính và mức độ thay đổi của giá chứng khoán.

Thông thường, RSI được áp dụng trong giao dịch chứng khoán theo hai cách chính: tín hiệu quá mua/quá bán và tín hiệu phân kỳ.

Tín hiệu quá mua – quá bán:

Chỉ báo RSI dao động trong khoảng từ 0 đến 100. Trong đó, hai vùng giá trị quan trọng của RSI là vùng quá mua và vùng quá bán:

Vùng quá mua: thường được xác định là khu vực trên ngưỡng 70 của đường RSI. Khi chỉ số này ở mức cao, cho thấy lực mua đang mạnh, đẩy giá cổ phiếu cao hơn mức giá hợp lý, nên có khả năng giá sẽ giảm.

Tín hiệu bán xuất hiện khi chỉ số RSI rơi từ vùng quá mua xuống dưới ngưỡng 70.

Cách sử dụng chỉ báo RSI trong mua bán chứng khoán

Cách sử dụng chỉ báo RSI trong mua bán chứng khoán

Vùng quá bán: thường được xác định là khu vực dưới ngưỡng 30. Khi này, cổ phiếu bị bán mạnh, giá có thể đã giảm xuống dưới mức cân bằng, nên có khả năng giá sẽ tăng.

Tín hiệu mua xuất hiện khi chỉ số RSI tăng từ vùng quá bán lên trên ngưỡng 30.

Cách sử dụng chỉ báo RSI trong mua bán chứng khoán

Cách sử dụng chỉ báo RSI trong mua bán chứng khoán

Tuy nhiên, các ngưỡng 30-70 này chỉ là tương đối và có thể thay đổi tùy theo điều kiện thị trường và từng cổ phiếu. Ví dụ, trong xu hướng tăng mạnh, các mức quá mua/quá bán có thể được điều chỉnh lên thành 80-40, và ngược lại trong xu hướng giảm mạnh, chúng có thể thay đổi thành 60-20.

Tín hiệu phân kỳ của RSI:

Phân kỳ là hiện tượng giá chứng khoán và chỉ báo kỹ thuật di chuyển không cùng chiều. Có hai loại phân kỳ chính:

Phân kỳ tăng (Bullish Divergence): xảy ra khi giá cổ phiếu giảm và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, trong khi chỉ số RSI lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước.

Phân kỳ giảm (Bearish Divergence): xảy ra khi giá cổ phiếu tăng và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên chỉ số RSI lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Cần lưu ý rằng phân kỳ chủ yếu cho thấy xu hướng hiện tại đang suy yếu, nhưng không phải là dấu hiệu chắc chắn rằng xu hướng sẽ đảo chiều. Vì vậy, khi phát hiện tín hiệu phân kỳ, cần kết hợp với các mô hình giá trên biểu đồ hoặc chỉ báo kỹ thuật khác để tăng xác suất thành công trong giao dịch.

Phân kỳ dương:
Phân kỳ dương của RSI báo hiệu rằng xu hướng giảm của cổ phiếu đang yếu dần. Trong trường hợp này, chúng ta nên hạn chế các giao dịch theo chiều bán và chỉ tham gia mua khi có thêm các tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng giảm thông qua các mô hình trên biểu đồ giá. Ví dụ, cổ phiếu DCM đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ dương vào phiên ngày 25/1/2022, cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần. Tín hiệu mua hoàn tất khi đường MA5 cắt lên trên đường MA20 trong phiên ngày 14/2/2022.

Phân kỳ âm:
Phân kỳ âm của RSI báo hiệu rằng xu hướng tăng của cổ phiếu đang yếu dần. Trong trường hợp này, chúng ta nên hạn chế các giao dịch theo chiều mua và chỉ nên bán cổ phiếu khi có thêm các tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng tăng thông qua các mô hình trên biểu đồ giá. Ví dụ, cổ phiếu MBB đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm vào phiên ngày 30/6/2021, cho thấy xu hướng tăng có dấu hiệu yếu dần. Tín hiệu bán hoàn tất khi xuất hiện một cây nến đỏ dài xuyên thủng đường MA20 trong phiên ngày 6/7/2021.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Taikhoanchungkhoan.com
Logo