Nếu bạn đã từng nghiên cứu về phân tích kỹ thuật, chắc hẳn các mẫu hình giá của cổ phiếu từng khiến bạn đau đầu và rối trí, học trước quên sau và trông rất “nguy hiểm” khi nhắc đến. Tuy nhiên, thực tế thì hiệu quả lại không cao, khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) phải bỏ cuộc vì sự phức tạp của phân tích kỹ thuật. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn đơn giản nhất về các mẫu hình giá và giúp bạn thay đổi tư duy rằng phân tích kỹ thuật không thực sự phức tạp như bạn nghĩ!
Mẫu hình giá
Mẫu hình giá là những hình dạng của giá cổ phiếu trong khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào tầm nhìn của từng người. Thường thì mẫu hình được tạo ra trong khoảng thời gian 3-5 tháng. Mẫu hình giá được so sánh với những sự vật-hiện tượng trong cuộc sống như: mẫu hình chiếc cốc tay cầm, mẫu hình vai đầu vai của người, mẫu hình tam giác, mẫu hình lá cờ… Nói chung là có tới hàng trăm mẫu hình như vậy, nên chúng tôi không tiện liệt kê hết vì nó quá phức tạp như đã nói. Chúng tôi chỉ tóm gọn lại thành 4 loại mẫu hình mà NĐT có thể quan sát và xây dựng các kế hoạch hành động khác nhau dựa trên 4 loại này.
1. Mẫu hình giá có đáy sau cao hơn và đỉnh sau thấp hơn
Giá hình thành đáy sau cao hơn cho thấy dòng tiền đang bắt đầu mua gom vội vàng hơn, sẵn sàng chấp nhận mua gom giá cao hơn so với thời điểm gom tại đáy 1. Đỉnh sau thấp hơn cho thấy vùng giá chấp nhận mua gom của dòng tiền lớn là không quá cao để bù đắp cho việc gom giá cao hơn ở đáy 2. Nhìn chung, dòng tiền đang gom vội nhưng chỉ trong biên độ cho phép, mà không cố gắng mua đuổi giá quá cao để tránh giá vốn trung bình quá cao. Do đó, mẫu hình này cần phải có sự xác nhận về sự thay đổi tư duy của dòng tiền lớn.
Kế hoạch: Điểm mua sẽ là khi cổ phiếu xuất hiện điểm break mạnh qua kháng cự là đỉnh thứ 2 của nền giá. Điều này đồng nghĩa với việc tư duy của dòng tiền lớn có sự thay đổi khi sẵn sàng chấp nhận mua đuổi giá cao vì đang kỳ vọng lớn vào lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu này.
2. Mẫu hình giá có đáy sau cao hơn và đỉnh sau cao hơn
Giá hình thành đáy sau cao hơn cho thấy dòng tiền đang bắt đầu mua gom vội vàng hơn, sẵn sàng chấp nhận mua gom giá cao hơn so với thời điểm gom tại đáy 1. Đỉnh sau cao hơn cho thấy dòng tiền mua gom rất quyết liệt, sẵn sàng chấp nhận mua gom luôn giá cao khi kỳ vọng rất lớn về lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu này sắp tới. Đây là mẫu hình rất đáng tin cậy với sự tham gia quyết liệt của dòng tiền lớn và mở ra nhiều điểm mua đẹp.
Kế hoạch: Điểm mua sẽ là khi cổ phiếu xác nhận tạo đáy thứ 2 thành công, đây là vùng giá mua an toàn vì có thể đang mua cùng giá vốn với dòng tiền lớn. Ngoài ra, NĐT cũng có thể thực hiện mua tại điểm breakout đỉnh thứ 2 thành công, đây là điểm cho thấy dòng tiền lớn cũng không ngại mua bình quân giá cao hơn nữa. Đây là dạng cổ phiếu rất mạnh với sự mua gom quyết liệt của dòng tiền lớn.
3. Mẫu hình giá có đáy sau thấp hơn và đỉnh sau thấp hơn
Đáy sau thấp hơn thể hiện cổ phiếu này bị rũ bỏ mạnh, thủng đáy trước đó, ép nhiều NĐT ôm hàng phải bán cắt lỗ. Tuy nhiên, đáy sau thấp hơn cũng là minh chứng cho việc dòng tiền lớn không dám chấp nhận mua gom giá cao mà phải ép NĐT nhỏ lẻ để mua gom giá thấp hơn. Đỉnh sau thấp hơn cho thấy vùng giá gom chấp nhận của dòng tiền lớn không quá cao để bù đắp cho việc gom giá cao hơn ở đáy 2. Đây là mẫu hình rũ bỏ cần sự xác nhận của dòng tiền lớn trước khi break qua kháng cự mạnh. Nói chung, đây cũng là mẫu hình tham gia được nhưng cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng.
Kế hoạch: Điểm mua sẽ là khi cổ phiếu hình thành nhịp tích lũy quanh vùng đỉnh thứ 2 sau khi đã tạo đáy 2 thành công. Mẫu hình này thể hiện dòng tiền thiếu quyết đoán, nên việc mua break đỉnh sẽ rất khó thành công. Thay vào đó, nên chờ đợi những nhịp rung lắc tích lũy rồi sau đó break thành công vùng đỉnh này. Nhịp tích lũy này cũng thể hiện dòng tiền đang có sự thay đổi tư duy khi đã bắt đầu sẵn sàng mua gom giá cao.
4. Mẫu hình giá có đáy sau thấp hơn và đỉnh sau cao hơn
Đáy sau thấp hơn thể hiện cổ phiếu này bị rũ bỏ mạnh, thủng đáy trước đó, ép nhiều NĐT ôm hàng phải bán cắt lỗ. Tuy nhiên, đáy sau thấp hơn cũng là minh chứng cho việc dòng tiền lớn không dám chấp nhận mua gom giá cao mà phải ép NĐT nhỏ lẻ để mua gom giá thấp hơn. Đỉnh sau cao hơn cho thấy dòng tiền mua gom rất quyết liệt, sẵn sàng chấp nhận mua gom luôn giá cao khi kỳ vọng rất lớn về lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu này sắp tới. Ban đầu thì dòng tiền có ý định mua gom giá rất cao với đỉnh sau cao hơn, nhưng sau đó lại chỉ chấp nhận mua gom giá thấp bằng cách rũ bỏ giá thấp. Nhìn chung, đây là mẫu hình khá phức tạp, thể hiện tâm lý có phần thiếu nhất quán của dòng tiền lớn.
Kế hoạch: NĐT khó thực hiện mua break và cũng khó mua theo kiểu tạo đáy 2. Đối với mẫu hình này, tốt nhất là chờ giá vượt qua kháng cự và hình thành nền giá mới sau đó.
Kết luận
Mẫu hình có đáy sau cao hơn là mẫu hình đáng tin cậy, có xác suất thành công cao hơn so với các mẫu hình có đáy sau thấp hơn. Đáy cao hơn thể hiện dòng tiền lớn đang mua gom vội vã và sẵn sàng đẩy giá cao hơn nữa. Trong đó, mẫu hình đáy sau cao hơn với đỉnh sau cao hơn thường xuất hiện ở nhiều siêu cổ phiếu.