Xác định các mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là một bước quan trọng để có được nền tảng tài chính cá nhân vững chắc. Nếu bạn không có kế hoạch cụ thể, bạn sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết và có thể bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn vay và trả nợ.
Ngay cả những người cẩn thận nhất cũng khó có thể chuẩn bị trước các cuộc khủng hoảng kinh tế. Lập mục tiêu tài chính giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất trước các giai đoạn khó khăn bất ngờ của nền kinh tế.
Lập kế hoạch tài chính hàng năm giúp bạn có thể xem xét, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu của mình từ năm trước. Nếu bạn chưa bao giờ đặt mục tiêu, hãy bắt đầu bây giờ. Dưới đây là cách bạn thiết lập các mục tiêu, từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn.
Ý chính:
- Lập kế hoạch tài chính bắt đầu với việc thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Các mục tiêu ngắn hạn chính bao gồm lập ngân sách, giảm nợ và xây dựng quỹ khẩn cấp.
- Mục tiêu trung hạn bao gồm các chính sách về bảo hiểm.
- Mục tiêu dài hạn bao gồm việc tiết kiệm và đầu tư cho tương lai.
Cách xác định các mục tiêu tài chính cho tương lai
Xác định mục tiêu tài chính ngắn hạn
Đặt ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn có thể mạng lại cho bạn sự tự tin và kiến thức nền tảng về tài chính để đạt được những mục tiêu lớn hơn, cần nhiều thời gian hơn. Những bước đầu tiên này tương đối dễ dàng. Mặc dù bạn không thể kiếm được 1 triệu đô la ngay bây giờ, nhưng bạn có thể lập kế hoạch ngân sách và bắt đầu tiết kiệm. Sau một năm, bạn sẽ có một khoản tiền kha khá.
Một số mục tiêu tài chính ngắn hạn bao gồm:
- Lập ngân sách: Xem xét các khoản chi tiêu hiện tại xem có vấn đề gì không. Bạn có thể bị sốc khi biết mình đang lãng phí bao nhiêu tiền mỗi tháng. Rà soát các khoản chi tiêu xem có thực sự cần thiết và có cách nào để tiết kiệm hơn không. Nếu tất cả đều ổn, hãy đi tới bước tiếp theo.
- Xây dựng quỹ khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền bạn dành riêng để chi trả cho các chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Các chuyên gia tài chính thường khuyến nghị quy mô quỹ khẩn cấp nên rơi vào khoảng 3 đến 6 tháng chi tiêu cơ bản. Bạn có thể cài đặt chuyển khoản tự động từ thu nhập hàng tháng sang quỹ khẩn cấp cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình.
- Trả nợ ngắn hạn: Chiến lược thanh toán nợ ngắn hạn yêu cầu bạn liệt kê các khoản nợ với lãi suất từ cao xuống thấp. Sau đó, ưu tiên trả các khoản lãi suất cao trước, lãi suất thấp sau. Một chiến lược trả nợ khác là thanh toán các khoản nợ nhỏ trước, khoản nợ lớn sau bất kỳ lãi suất là bao nhiêu. Điều này giúp bạn cảm thấy tự tin hơn sau khi đã trả các khoản nợ nhỏ và hướng tới khoản nợ lớn hơn.
Mục tiêu tài chính trung hạn
Khi bạn đã xây dựng ngân sách, thành lập quỹ khẩn cấp và trả hết nợ ngắn hạn, đã đến lúc chinh phục các mục tiêu trung hạn. Mục tiêu tài chính trung hạn sẽ là cầu nối giữa ngắn hạn và dài hạn.
- Mua bảo hiểm: Nếu bạn có người phụ thuộc vào thu nhập của mình, bạn nên mua bảo hiểm nhân thọ để đề phòng các tình huống xấu. Bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn là loại hình bảo hiểm ít phức tạp nhất, ít tốn kém và đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm của hầu hết mọi người.
- Trả hết nợ: Các khoản nợ như vay mua nhà, mua xe hoặc các khoản khác chiếm tỷ trọng cao trong ngân sách hàng tháng của nhiều người. Giảm bớt hoặc trả toàn bộ các khoản nợ này có thể giải phóng tiền mặt, giúp bạn dễ dàng tiết kiệm và đầu tư.
- Xem xét thực hiện các ước mơ: Các mục tiêu trung hạn có thể bao gồm mua ngôi nhà đầu tiên hoặc sau này là mua thêm 1 căn nhà để nghỉ dưỡng. Có thể bạn đã có nhà và muốn xây mới, hoặc chuyển sang ngôi nhà lớn hơn. Xây dựng ngân sách cho việc học của con cái cũng là một trong những mục tiêu trung hạn. Khi bạn đã đặt một hoặc nhiều mục tiêu trung hạn, hãy tính ra số tiền bạn cần tiết kiệm mỗi tháng để đạt được mục tiêu đó. Hình dung ra tương lai là bước đầu tiên để bạn đạt được mục tiêu.
Mục tiêu tài chính dài hạn
Mục tiêu tài chính dài hạn lớn nhất của hầu hết mọi người là tiết kiệm đủ để nghỉ hưu. Nguyên tắc chung là bạn cần tiết kiệm 10-15% thu nhập hàng tháng để gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu hoặc đầu tư cổ phiếu.
Một số bước để xác định mục tiêu dài hạn là:
- Ước tính nhu cầu nghỉ hưu: Bạn cần ước tính được số tiền cần thiết cho quãng thời gian nghỉ hưu. Hãy sử dụng bản ngân sách trong bước xác định mục tiêu ngắn hạn để ước tính số tiền bạn cần là bao nhiêu. Bạn cũng cần bổ sung thêm một số khoản chi phí chăm sóc sức khỏe.
- Trừ đi thu nhập bạn nhận được: Bao gồm lương hưu, bảo hiểm xã hội, bạn sẽ tính ra được số tiền còn lại cần có. Một ví dụ về cách ước tính xem bạn có đang chuẩn bị cho nghỉ hưu hay không:
- Một cặp vợ chồng 56 tuổi muốn nghỉ hưu sau 10 năm nữa. Chi phí sinh hoạt mong muốn là 300 triệu/năm. Bảo hiểm hoặc tiền lương hưu của 2 vợ chồng là 200 triệu/năm. Dự tính số năm nghỉ hưu là 20 năm.
- Như vậy, tổng số tiền 2 vợ chồng cần tiết kiệm là: (300.000.000 – 200.000.000) * 20 = 2.000.000.000 VNĐ.
- Từ đó có thể tính ra số tiền cần tiết kiệm hàng tháng trong 10 năm tới là: 2.000.000.000 / 10 / 12 = 16.666.667 VNĐ.
Điều khiến mọi người không chuẩn bị cho thời gian nghỉ hưu là họ chi tiêu hết thu nhập. Lý do thứ hai là họ không biết cách đầu tư tiền của mình.
Kết luận
Bạn có thể chưa có bước tiến nào trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào, nhưng điều quan trọng là bạn cần sự nhất quán trong các hoạt động về tài chính cá nhân. Nếu bạn cần một khoản tiền sửa chữa xe hoặc điều trị y tế đột xuất và không để đóng góp vào quỹ dự phòng của mình, hãy cứ chi tiêu nhưng cần phải chuyển tiền lại vào quỹ ngay khi bạn có thể.
Sau mỗi năm, hãy xem xét và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu. Trong quá trình xác định các mục tiêu tài chính và thực hiện nó, bạn sẽ thấy rằng các quyết định của bạn trong hàng tháng, hàng năm và nhiều thập kỷ sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình.